Nghiên Cứu & Phát Triển

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập 2978280
Đang Online: 9

SAI LẦM TRONG THIẾT KẾ KẾT CẤU CÔNG TRÌNH CHỊU ĐỘNG ĐẤT. P.2

SAI LẦM TRONG THIẾT KẾ KẾT CẤU CÔNG TRÌNH CHỊU ĐỘNG ĐẤT. P.2

 

Kinh nghiệm chia sẻ

Phần 2: Các phổ phản ứng dùng trong phân tích mô hình


      1-  Tóm tắt:

   Thiết kế công trình chịu tải trọng động đất tại Việt Nam được áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9386:2012 – Thiết kế công trình chịu tải trọng động đất. Đây là tiêu chuẩn được biên dịch lại từ tiêu chuẩn Châu Âu Eurocode 8: Design of structure for earthquake resistance. Tiêu chuẩn Eurocode 8 là bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh nằm trong hệ thống tiêu chuẩn Eurocode dùng trong công tác thiết kế công trình xây dựng. Khi áp dụng tiêu chuẩn Eurocode 8 cho thiết kế công trình chịu tải trọng động đất, các tiêu chuẩn liên quan trong bộ Eurocode cũng được yêu cầu áp dụng tuân thủ nghiêm ngặt.

   TCVN 9386:2012 khi được biên dịch lại vẫn giữ lại hầu như toàn bộ các tham chiếu từ các tiêu chuẩn Châu Âu như đối với yêu cầu vật liệu, yêu cầu đối với kết cấu bê tông, kết cấu thép… mà hoàn toàn không có các tham chiếu liên quan đến các Tiêu chuẩn Việt Nam. Trong khi các Tiêu chuẩn Việt Nam liên quan như kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép… được xây dựng hầu như dựa trên tiêu chuẩn Liên Xô (cũ) và hiển nhiên không hẳn là tương đồng với tiêu chuẩn Châu Âu.

   Thực tế trên đã tác động đến công tác thiết kế kết cấu công trình chịu động đất theo cách thức thiết kế công trình theo Tiêu chuẩn nước ngoài dựa trên tư duy và lý luận theo cách thức Việt Nam.

   Điều này thể hiện rất rõ trong việc vận dụng phương pháp phổ phản ứng (response spectrum method) vào trong công tác tính toán tác động động đất lên các công trình mà bài viết sau đây trình bày các ghi nhận được từ các công trình được thiết kế chịu động đất tại Việt Nam.


      2-  Khái quát về công cụ và cách tính lực động đất đang được áp dụng tại Việt Nam:

   Theo ghi nhận cá nhân, phần mềm phổ biến nhất được áp dụng trong việc phân tích mô hình kết cấu tại Việt Nam là SAP2000 và ETAB. Cả 2 phần mềm này đều là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong việc tính đáp ứng động đất của kết cấu bằng nhiều phương pháp tính khác nhau cũng như nhiều tiêu chuẩn thiết kế khác nhau. Thực tế áp dụng, hầu hết các kỹ sư thiết kế kết cấu thường vận dụng phương pháp phổ phản ứng bởi cách tính tự động hóa cũng như cách thức nhập số liệu đơn giản và phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9386:2012.

   Tuy nhiên, việc áp dụng số liệu phổ phản ứng cho phù hợp với mỗi công trình, với từng loại công trình, từng loại kết cấu cụ thể… hầu như không được quan tâm đến. Thay vào đó, các kỹ sư tính toán thiết kế, có thể do dưới áp lực phải thiết kế công trình giá rẻ, hoặc có thể do không tìm ra được giải pháp thích hợp, thường luôn có khuynh hướng chọn nhập số liệu sao cho lực động đất tác dụng lên công trình là nhỏ nhất. Điều này phản ánh cách thức tư duy và lý luận: tác động của động đất lên công trình là lực tác dụng thay vì xem tác động của động đất bởi chính ứng xử (response) của công trình.

   Do vậy việc áp dụng phổ phản ứng vào trong công tác thiết kế kết cấu công trình tại Việt Nam bởi các kỹ sư thiết kế Việt là vấn đề tưởng như là cực kỳ đơn giản nhưng quả thực là dị biệt và vô cùng khó hiểu.


      3-  Các công trình chịu động đất tại Việt Nam đã được thiết kế như thế nào?

   Trước khi Tiêu chuẩn TCXDVN 375-2006 – Thiết kế công trình chịu tải trọng động đất (phiên bản trước đó của TCVN 9386:2012) được phát hành, một số ít công trình tại Việt Nam được thiết kế theo tiêu chuẩn nước ngoài, thường là UBC-97, Tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Việc áp dụng thường chỉ đến mức xác định lực động đất theo phương pháp phân tích tĩnh lực ngang tương đương (equivalent linear static analysis) nhằm có thể vận dụng tiếp vào công tác tính toán kết cấu theo TCVN.

   Khi Tiêu chuẩn TCXDVN 375-2006 (TCVN 9386:2012 sau này) là yêu cầu bắt buộc, các kỹ sư thiết kế đã vận dụng tiêu chuẩn này, kết hợp với các công cụ phần mềm mạnh mẽ như đã nêu trên, cũng như cách thức tư duy đơn giản, đã giúp cho công trình thiết kế chịu tải trọng động đất trở nên phổ biến và cực kỳ đơn giản đến mức không ngờ (!?).Vấn đề thực sự là, các phổ phản ứng từng được áp dụng cho thiết kế công trình, đặc biệt cho các công trình nhà cao tầng, có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm.


   3-1.  Các phổ phản ứng đã từng, đang được áp dụng

     Việc tùy chọn phổ phản ứng như được trình bày trong các thuyết minh thiết kế kết cấu, hầu như không có bất kỳ lý giải nào cũng như ý nghĩa của mô hình chọn, thực tế các kỹ sư thiết kế đã áp dụng 01 (một) trong 02 phổ phản ứng như sau đây khi tính cho đáp ứng dao động công trình theo các phương ngang.

       a)  Các kỹ sư thiết kế kết cấu ở các tỉnh phía Bắc thường chọn đường cong phổ như hình 1

            (Cũng có ghi nhận được công ty tư vấn chuyên về thiết kế công trình cảng & giao thông tại TP. Hồ Chí Minh cũng từng áp dụng đường cong phổ này.)

 

                                                           

                                                                                          Hình 1

 

            Trong đó, đường cong phổ là đường thẳng, các giá trị đáp ứng gia tốc tương ứng với chu kì dao động T (period) là hằng số. Điều này có nghĩa với bất kỳ dao động thành phần nào của kết cấu, đáp ứng của kết cấu là như nhau, và gia tốc đáp ứng có giá trị bằng gia tốc nền động đất tính toán.


       b)  Các kỹ sư thiết kế kết cấu ở các tỉnh phía Nam thường chọn đường cong phổ dựa trên phổ thiết kế (design spectrum) theo TCVN 9386, như hình 2

 

                                                         

                                                                                          Hình 2

 

            Dễ dàng nhận xét, do đường cong phổ này dựa trên Phổ phản ứng thiết kế cho phân tích đàn hồi (Design spectrum for elastic analyse) mà TCVN 9386 cho phép viết tắt thành Phổ thiết kế (Design spectrum). Trong đó, các giá trị gia tốc đáp ứng rất nhỏ so với các giá trị của phổ phản ứng đàn hồi (Elastic response spectra). Áp dụng đường cong phổ này mà không xem xét đến bất kỳ các yếu tố thực của mô hình (mà hiện đang áp dụng phổ biến) đã giúp cho cụ thể hóa “lực động đất” tác dụng lên công trình trở nên rất bé. Chính điều này đã góp phần tạo nên quan niệm đang ngày càng thống trị phổ biến “Lực động đất tác dụng lên các công trình tại Việt Nam là không đáng kể” (?!?), bất chấp dù có thiết kế tại Hà Nội, Hải Phòng hay Tp. Hồ Chí Minh.


   3-2.  Các phổ phản ứng theo TCVN

    Rõ ràng là để giải thích cho việc “vận dụng” phổ phản ứng trong 2 trường hợp nêu trên cần phải tham khảo các phổ phản ứng được trình bày trong TCVN 9386.

     Đối với các dao động theo phương ngang, các biểu đồ phổ phản ứng đàn hồi như hình 3

 

                                                  

                                          Hình 3: Phổ phản ứng đàn hồi cho các loại nền đất từ A đến E (độ cản 5%)

 

     Các phổ phản ứng thể hiện gia tốc đáp ứng của công trình thay đổi tùy theo các chu kỳ dao dộng riêng của công trình, thay đổi phụ thuộc vào cấu tạo địa chất ngay bên dưới công trình.
     Trong trường hợp vận dụng thiết kế các công trình cho trạng thái không đàn hồi, các trạng thái phi tuyến của kết cấu…, TCVN 9386 cho phép vận dụng phổ phản ứng thiết kế cho phân tích đàn hồi. Điều này có ý nghĩa làm cho công tác thiết kế trở nên đơn giản hơn do vận dụng được các phương pháp tính, công thức tính toán của mô hình kết cấu mà các mô hình thực được quy đổi tương đương như mô hình phân tích đàn hồi, mà vẫn bảo đảm tính chính xác cũng như khả năng chịu lực thực tế.
     Hình ảnh phổ thiết kế dùng trong kết cấu có kể đến hệ số ứng xử q như hình 4
          

 

                                                         

                                                          Hình 4: Minh họa phổ thiết kế dùng trong thiết kế kết cấu

 

     Các giá trị gia tốc đáp ứng thay đổi theo chu kỳ dao động và nhỏ hơn so với các giá trị tương ứng của phổ phản ứng đàn hồi.

     Hệ số ứng xử q của kết cấu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, dễ dàng tham khảo chi tiết trong TCVN 9386, chẳng hạn như:

       -  Loại kết cấu

       -  Tính chất của kết cấu

       -  Hình dạng công trình

       -  Yêu cầu thiết kế

       -  …

     Và cũng không loại trừ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của kỹ sư thiết kế.

    Trong TCVN 9386 cũng trình bày chỉ dẫn cho các phổ phản ứng khi xem xét ứng xử của công trình dưới tác dụng của động đất theo phương thẳng đứng


      4-  Xem xét và đánh giá các phổ phản ứng đã áp dụng:

   Việc hiểu rõ ý nghĩa và điều kiện áp dụng các loại đường cong phổ giúp cho việc đánh giá công tác thiết kế kết cấu có thực sự đúng với bản chất khoa học của kết cấu công trình, hay cụ thể hơn, các vận dụng như trên có thực sự tuân thủ theo Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 9386:2012 - Thiết kế công trình chịu tải trọng động đất?


   4-1. Khi xem xét phổ phản ứng là đường thẳng (hình 1)

     Dễ dàng nhận thấy là dạng phổ này không hề được chỉ dẫn trong TCVN 9386. Tất nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng phổ phản ứng đường thẳng đã được áp dụng cho các công trình dân dụng bởi các kỹ sư ở các tỉnh Phía Bắc, tức là các dạng công trình mà yêu cầu bắt buộc phải thiết kế theo TCVN 9386:2012 - Thiết kế công trình chịu tải trọng động đất – Phần 1: Quy định chung, tác động động đất và quy định đối với kết cấu nhà. Điều này chứng tỏ rằng công tác thiết kế hoàn toàn không tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế.

     Về mặt khoa học, các công trình dân dụng là kết cấu nhiều bậc tự do, mỗi kết cấu được xem xét phân tích với tổ hợp nhiều dạng dao động khác nhau tương ứng với mỗi phương dao động đang xem xét. Tác động động đất lên công trình được tính toán trên cơ sở tổ hợp các đáp ứng cộng hưởng cực trị của kết cấu. Mỗi đáp ứng gia tốc nền khác nhau gây nên tác động khác nhau lên kết cấu. Như vậy thì, việc xem các đáp ứng khác nhau ứng với các chu kỳ dao động khác nhau là như nhau (giá trị hằng số như phổ đường thẳng) thực sự là phi khoa học.

     Tác giả bài viết này cũng từng gặp các viện dẫn cho rằng áp dụng phổ phản ứng là đường thẳng là phù hợp (?) vì những người áp dụng lý giải rằng:

       a)  Đây là phương pháp vận dụng từ phương pháp tĩnh lực ngang tương đương (?). Thực sự là, lý giải này hoàn toàn không có nghĩa vì bản chất phương pháp tĩnh lực ngang tương đương chỉ là công cụ tính toán, mang ý nghĩa như là phương pháp lực (01 trong 02 phương pháp phân tích kết cấu: phương pháp lực & phương pháp chuyển vị)

       b)  Viện dẫn đường phổ phản ứng là đường thẳng đã được áp dụng trong tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới (?). Vậy thì, phổ phản ứng là đường thẳng liệu có trong tiêu chuẩn các nước hay không? Câu trả lời là .

            Trong tiêu chuẩn [.] các nước tiên tiến trên thế giới, phổ phản ứng là đường thẳng có thể áp dụng đối với các công trình được xem như cứng tuyệt đối, chẳng hạn như:

               o  Đê, đập đất lớn, đập bê tông trọng lực, kè biển…

               o  Boong ke, các hầm ngầm bê tông cốt thép

               o  Các bể chứa (nước, xăng dầu…) ngầm hay bán ngầm

               o  Tường bến trọng lực

               o  …


            Kết cấu công trình được giả thiết là cứng tuyệt đối khi áp dụng phương pháp phổ phản ứng là đường thẳng phải luôn thỏa mãn điều kiện chu kỳ dao dộng cơ bản (fundamental period) rất nhỏ (thường < 0.5s), hệ số khối lượng tham gia dao động thành phần (modal participating mass factor) ~ 100% của dạng dao động đầu tiên đang xét. Điều này đồng nghĩa tác động động đất tác dụng lên công trình chỉ xét lệ thuộc duy nhất vào chu kỳ dao động cơ bản và gia tốc đáp ứng thường là bằng gia tốc nền. Rõ ràng là các công trình dân dụng trong phân tích mô hình theo phương pháp phổ không thể xem là tuyệt đối cứng được, vì đáp ứng của kết cấu phụ thuộc nhiều chu kỳ dao động khác nhau cũng như gia tốc đáp ứng của công trình dân dụng được khuếch đại đối với chu kỳ bé và ngược lại.

            Phổ phản ứng là đường thẳng như vậy chỉ mang ý nghĩa thuần túy nhằm thuận tiện cho công tác tính toán bằng các công cụ phần mềm máy tính. Hoặc mang ý nghĩa cụ thể hơn, tác động động đất lên kết cấu tuyệt đối cứng = khối lượng công trình x gia tốc nền. Giả thiết này thừa nhận việc bỏ qua việc phân tích dao động kết cấu, mà điều này chính là bắt buộc khi phân tích động lực các công trình dân dụng.


       c)  Viện dẫn áp dụng đường phổ phản ứng là đường thẳng cho ra kết quả nội lực trong mô hình kết cấu lớn hơn (nên phù hợp và an toàn hơn?) so với áp dụng phổ thiết kế (?)

            Với các công trình đã vận dụng chủ quan phổ thiết kế, lực động đất tính được thường quá bé. Kết luận rút ra “Lực động đất tác dụng lên các công trình tại Việt Nam là không đáng kể (!)” có thể đã đã gây e ngại nhất định đến kỹ sư thiết kế. Chọn lựa cách thức sao cho lực động đất có vẻ lớn hơn “tí đỉnh” dường như đã bị chọn lựa (?). Rõ ràng lý do này không có bản chất khoa học: không thể thay thế giải pháp mơ hồ bằng cách thức còn phi lý hơn thế nữa.

            Việc đánh giá và so sánh giá trị lực động đất bằng áp dụng phổ thiết kế sẽ được tiếp tục trình bày trong phần sau.


   4-2. Khi áp dụng phổ thiết kế (hình 2)

     Vấn đề quan trọng và cơ bản khi thiết kế kết cấu công trình chịu tải trọng động động đất theo Eurocode là phân cấp kết cấu theo cấp độ dẻo (Ductility class)

 

       Kết cấu công trình được phân cấp theo 3 cấp độ dẻo

 

Cấp độ dẻo

Mức độ

Ký hiệu

Cấp độ dẻo thấp

(Ductility Class Low)

Thấp

(Low)

DCL

Cấp độ dẻo trung bình

(Ductility Class Medium)

Trung bình

(Medium)

DCM

Cấp độ dẻo cao

(Ductility Class High)

Cao

(High)

DCH


 


                                                                                                                                                                 




  

     

     Khái niệm cấp độ dẻo trong tiêu chuẩn Eurocode 8 liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn thiết kế công trình xây dựng liên quan (từ Eurocode 1 đến Eurocode 8). Việc áp dụng cấp độ dẻo thích hợp cho kết cấu được thực hiện thống nhất xuyên suốt. Điều này được thể hiện qua các yêu cầu tham chiếu được liệt kê chi tiết cho các loại kết cấu, các tính chất kết cấu… 

     Các khái niệm này hầu như chưa từng xuất hiện trong các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, ngay bản dịch TCVN 9386:2012 cũng phải giữ nguyên các tham chiếu từ tiêu chuẩn Châu Âu. Điều này được nhắc lại như một cách giải thích cho sự tùy chọn như tùy thích cấp độ dẻo công trình được thiết kế tại Việt Nam.

     Trong các thuyết minh thiết kế kết cấu, hầu như không có bất kỳ các giải thích cần thiết, các kỹ sư thiết kế sẽ tự động xác lập kết cấu công trình thuộc cấp độ dẻo trung bình, và thông qua hệ số ứng xử q tương ứng với cấp độ dẻo theo các bảng tra, mà thường được chọn q = 3,0au/a1 , và như thực tế, nhất là các công trình cao tầng tại Việt Nam, thường có dạng bất quy tắc (irregular), các kỹ sư tính toán đã chọn q = 3.9. Từ đó, dễ dàng thay vào các công thức [.] tính ra các giá trị của phổ thiết kế.

     Đường phổ thiết kế thường được áp dụng như hình 5.b.

 

                                          

                                                                         Hình 5a.                                                               Hình 5b.

 

                                                           Hình 5:  Hình 5a: Phổ phản ứng đàn hồi

                                                                         Hình 5b: Phổ thiết kế

 

     Hình 5 minh họa cả 2 phổ phản ứng được xác lập dựa trên cùng địa điểm, cùng số liệu địa chất; phổ phản ứng đàn hồi (tương đương hệ số ứng xử q = 1) và phổ thiết kế ứng với q = 3.9.

     Với các giá trị phổ phản ứng xác lập được, kỹ sư thiết kế dễ dàng nhập số liệu vào các phần mềm nói trên, qua đó phân tích nội lực trong hệ kết cấu thật đơn giản.


     So sánh các  giá trị của 2 đường cong phổ

     Không khó để nhận ra các giá trị gia tốc đáp ứng trên đường phổ phản ứng đàn hồi lớn hơn rất nhiều so với phổ thiết kế, ví dụ như

              Phổ phản ứng đàn hồi    Phổ thiết kế

     Tại chu kì T Gia tốc đáp ứng Gia tốc đáp ứng

   (s)                (m/s2)       (m/s2)

  0.2                2.392       0.613

  0.6                2.392       0.613

  1.0                1.435       0.368

  2.0                0.717       0.184

 

     Gia tốc đáp ứng càng lớn thì lực động đất tác dụng lên kết cấu càng lớn, theo phương trình vi phân cơ bản của dao dộng công trình:

 

                                                                 

     Trong đó, M : ma trận khối lượng

        C  : ma trận các hệ số cản
        K : ma trân độ cứng của kết cấu
        ag : gia tốc đáp ứng nền
     tương ứng với chu kì dao động đang xét

     Bằng cách nhập các giá trị đường cong phổ vào trong tính toán mô hình khung kết cấu, mà không cần quan tâm đến tính chất khung, hiểu một cách đơn giản là, khi áp dụng 2 phổ phản ứng trên cho cùng một khung kết cấu cụ thể, thì hiển nhiên kết quả tính được từ số liệu phổ thiết kế rất nhỏ so với áp dụng phổ phản ứng đàn hồi. Có lẽ do vậy mà hầu hết các kỹ sư thiết kế sẽ không dám áp dụng phổ phản ứng đàn hồi mà chỉ dùng phổ thiết kế.  
     Điều này lý giải tại sao khi kết quả tính lực động đất rất bé bởi chính vì việc phân tích hoàn toàn do sự áp đặt chủ quan liên quan đến hệ số q cũng như mô hình khung tính toán.
     Nhưng đây chính là sai lầm vô cùng lớn mà hầu như rất nhiều kỹ sư đã thực hiện. Vấn đề rất cơ bản trong bài toán kết cấu là phạm vi áp dụng bài toán đàn hồi là bắt buộc kết cấu còn làm việc trong giai đoạn đàn hồi tuyến tính. Và nội lực trong giai đoạn đàn hồi phải luôn nhỏ hơn hoặc bằng nội lực trong trạng thái làm việc không đàn hồi. Việc tùy chọn nhập phổ thiết kế vào trong mô hình kết cấu mà bất chấp việc kiểm tra và xác lập thuộc tính là sai lầm cực kỳ không thể chấp nhận.

     Việc vận dụng số liệu chủ quan và tuỳ tiện cũng không thể được cho là tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế. Trong TCVN 9386:2012 liệt kê khá nhiều phương pháp nhằm hướng dẫn kỹ sư thiết kế thực hiện tính kết cấu làm việc trong trạng thái không đàn hồi. Do vậy, công tác thiết kế cần phải được tuân thủ chặt chẽ và chính xác như trong TCVN 9386.

     Quay trở lại về việc áp dụng phổ phản ứng là đường thẳng như trình bày phần trên, việc áp dụng này càng bất chấp đến việc đánh giá kết cấu làm việc đàn hồi hay không đàn hồi, đây là sự phi lý khó thể chấp nhận.

      5-  Nhận xét:
   Việc vận dụng kiến thức khoa học về thiết kế công trình chịu tải trọng động đất vào trong thực tiễn là vấn đề quan trọng nhưng thực tế hiện tại đang bị xem rất nhẹ tại Việt Nam. Tính kết cấu chịu động đất đang được diễn đạt quá đơn giản và hầu như gây ra khá nhiều ngộ nhận sai lầm về thiết kế chống động đất. Chỉ riêng về vận dụng phổ phản ứng, là bài toán gần như là đầu vào cho thiết kế công trình, làm cơ sở cho các tính toán tiếp theo, cũng đang hết sức chủ quan, tùy tiện. Yêu cầu hiểu rõ bản chất ứng xử của công trình là điều kiện bắt buộc, không chỉ cho việc xác lập lực động đất, mà còn dùng để phục vụ tính toán các hạng mục, bộ phận kết cấu.

      6-  Về các công trình thực tế:
   Các công trình thực tế, chủ yếu là các nhà cao tầng, là các sản phẩm thiết kế dễ nhận thấy nhất về việc vận dụng tùy tiện phổ thiết kế. Hầu hết các cao ốc tại Việt Nam thường thiết kế có dạng bất qui tắc (không đều đặn – irregular) trên cả 2 phương diện mặt đứng và mặt bằng. Đối với các dạng công trình bất quy tắc, việc thiết kế với mô hình chính xác và phương pháp tính chính xác sẽ là tăng chi phí kết cấu đáng kể. Nhưng do được áp dụng phương pháp phổ thiết kế theo cách thức kỳ lạ nói trên, cách tính giúp kết cấu trở nên vô cùng mềm dẻo, lực động đất càng bé. Đặc biệt hơn, công trình càng có dạng vi phạm quy tắc càng làm cho lực động đất càng bé hơn nữa. Lực động đất càng bé thi chọn kết cấu càng nhỏ hơn mà như vậy thì chi phí công trình càng rẻ (?) Do vậy mà không khó hiểu khi các cao ốc các năm gần đây toàn là dạng bất quy tắc.
   Kết cấu bất quy tắc là vấn đề mà hầu hết tiêu chuẩn các nước khuyến cáo hạn chế. Việc tính toán hiện đại cũng khó tính chính xác hết các trạng thái bất lợi. Để hạn chế các bất lợi do hình dạng kết cấu mang lại, thiết kế chính xác buộc phải tăng mức độ ứng xử q, và như thế càng tăng kích thước kết cấu lên đáng kể thay vì càng tăng q thì lực động đất càng giảm như các áp dụng tại Việt Nam hiện tại.

      7-  Kết luận:
   Trên đây chỉ là góc nhìn rất, rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về công tác thiết kế công trình chịu tải trọng động đất tại Việt Nam. 
   Trên thế giới, các nước tiên tiến đã có hàng thập kỷ năm kinh nghiệm, hàng thập kỉ năm tích lũy kiến thức khoa học cho công tác thiết kế công trình. Các nước tiên tiến trên thế giới vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ các nghiên cứu về động đất và các vấn đề về thiết kế chống động đất. Họ cũng đã phổ biến rộng rãi kiến thức về thiết kế. Các kỹ sư Việt Nam rất dễ dàng tiếp cận với kiến thức khoa học trên thế giới để áp dụng vào các công trình tại Việt Nam.
   Do vậy mà, vấn đề thiết kế công trình chịu động đất sẽ không là vấn đề khó khăn, nhưng hiển nhiên cũng không quá đơn giản như thực tế mà bài viết này đã cố gắng ghi nhận. Vậy thì rất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học và các kỹ sư trực tiếp thiết kế, nhằm hiểu rõ bản chất cũng như quy trình thiết kế công trình chịu tải trọng động đất, nhằm giúp nền khoa học kỹ thuật và kinh tế nước ta ngày càng phát triển.
   Bài viết này được tác giả cố gắng sưu tập và ghi nhận từ các công trình được thiết kế thực tế. Bài viết không thể phản ánh hết tất cả các công tác thiết kế chống động đất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết cố gắng được trình bày bằng văn phong dễ đọc nhất cho mọi người quan tâm đến thiết kế kháng chấn mà có thể đã không thể diễn giải hết các vấn đề khoa học chuyên sâu. Do vậy chắc không tránh khỏi sai sót. Rất mong được sự góp ý bổ sung.

Tài liệu tham khảo
[.]

TP HCM, 06/12/2018
Th.Ks. Lê Hoan Cường

Đón xem tiếp phần 3 và các phần tiếp theo.



                                        Sai lầm trong thiết kế công trình chịu động đất. P3

                                                                       

 

Ý Kiến Bạn Đọc